Hầm đường bộ được xây dựng nhằm gỡ nút thắt về ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đồng thời hỗ trợ người lái di chuyển an toàn, giảm tải rủi ro, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, khi di chuyển trên đoạn đường này đòi hỏi những lưu ý, kinh nghiệm để không vi phạm Luật an toàn giao thông.

Bật đèn chiếu sáng

Hệ thống đèn chiếu sáng trên ô tô bao gồm đèn pha và đèn cốt có chức năng giúp người lái cải thiện tầm nhìn, tăng khả năng quan sát chướng ngại vật trên đường. Trong đó, đèn pha có tác dụng chiếu sáng xa, đèn cốt đóng vai trò chiếu sáng gần.

Khi tham gia giao thông trong hầm đường bộ, người lái nên bật đèn cốt chiếu sáng gần. Bên cạnh đó, đèn cốt có góc chiếu thấp, giúp người lái xe quan sát được tình trạng mặt đường trong phạm vi hẹp, đồng thời tránh làm chói mắt người điều khiển phương tiện giao thông đối diện.

Lái xe ô tô qua hầm đường bộ cần lưu ý những gì

Hầm đường bộ đều được trang bị hệ thống đèn đường. Tuy nhiên do thiết kế hầm ở dưới lòng đất nên bóng đèn không cấp đủ ánh sáng để người lái nhìn rõ mọi chướng ngại vật. Vì vậy, người lái cần tích hợp thêm đèn cho xe để tăng khả năng chiếu sáng. Đồng thời khi di chuyển trong hầm bộ, người lái cần duy trì đèn chiếu sáng để đảm bảo tầm nhìn tối ưu.

Người lái lưu ý, ngay cả khi hầm đường bộ có đủ sáng, người lái vẫn cần bật đèn chiếu sáng như một cách báo hiệu cho các phương tiện cùng di chuyển. Với lỗi không bật đèn trong hầm đường bộ chủ xe ô tô có thể bị phạt tối đa 2 triệu đồng theo khoản 1 Điều 27 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Ngoài ra, Điểm a Khoản 4, Điểm c Khoản 11, Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt quy định: khi qua hầm đường bộ xe ô tô cần bật đèn chiếu sáng gần. Tuy nhiên, người lái cần chú ý không bật đèn định vị, đèn pha hay đèn sương mù nhằm hạn chế tình trạng người di chuyển phía đối diện bị ngợp, chói mắt, không thể điều khiển phương tiện như ý muốn, dễ xảy ra sự cố ngay trong hầm đường bộ.

Chạy đúng tốc độ cho phép

Theo điều 5, điều 7 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới khi tham gia giao thông, xe ô tô phải giảm tốc độ, đồng thời bị giới hạn tốc độ trên và tốc độ dưới khi di chuyển qua hầm đường bộ. Cụ thể, tốc độ tối đa trong đường hầm bộ là 60km/h và tối thiểu là 30km/h. Tuân thủ tốc độ này giúp người lái dễ dàng kiểm soát và xử lý kịp thời tình huống trong hầm. Việc đi quá nhanh có thể dẫn tới va chạm hoặc quá chậm gây tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng đến các phương tiện đang lưu thông tại thời điểm đó.

Giữ khoảng cách an toàn

Khoảng cách giữa hai xe trước sau cũng như hai xe lưu thông cạnh nhau cũng gây ảnh hưởng đến trải nghiệm lái và khả năng an toàn. Việc giữ khoảng cách giữa các xe trong hầm đường bộ sẽ giúp giảm nguy cơ va chạm, tai nạn trong trường hợp xe phanh gấp hoặc có sự cố xảy ra bất ngờ. Thông thường, khoảng cách được yêu cầu giữa 2 xe di chuyển liên tiếp tối thiểu là 30m. Đây là khoảng cách vừa đủ để người lái xe có thể bao quát được tầm nhìn xung quanh và kịp thời ứng phó với tình huống bất ngờ.

Không sử dụng còi xe

Còi xe là bộ phận có nhiệm vụ phát ra âm thanh thông báo cho các phương tiện đang cùng tham gia giao thông trên 1 tuyến đường biết về sự tồn tại và ý định di chuyển của xe.

Lái xe ô tô qua hầm đường bộ cần lưu ý những gì

Tuy nhiên, thiết kế đặc thù của hầm đường bộ là có không gian lớn, được xây ngầm dưới lòng đường và thông ra hai đầu hầm, vậy nên sử dụng còi trong khu vực này sẽ khiến âm thanh bị khuếch đại, tạo ra tiếng ồn lớn gây ảnh hưởng đến toàn bộ người đang di chuyển trong hầm. Như vậy, khi đi trong hầm, chủ xe cần tuyệt đối tránh sử dụng còi để gây ảnh hưởng đến chính bản thân và những người khác.

Trong trường hợp muốn báo hiệu cho phương tiện khác, chủ xe có thể nháy đèn, nhưng cần chú ý không sử dụng đèn ưu tiên ngoại trừ các phương tiện được ưu tiên dựa theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008.