Đầu tiên có thể kể đến đèn cảnh báo nguy hiểm của hệ thống phanh. Đèn báo này sẽ bao gồm đèn cảnh báo hệ thống phanh đỗ và hệ thống phanh chân.

Việc quên hạ phanh đỗ trước khi di chuyển là điều không hiếm gặp, đặc biệt với các lái mới. Hậu quả của việc không hạ phanh tay có thể dẫn tới hư hỏng hệ thống phanh đỗ, nặng hơn có thể ảnh hưởng tới hệ thống truyền động, hộp số và động cơ.

Đèn cảnh báo phanh tay
Đèn cảnh báo phanh tay chưa hạ

Vì vậy trước khi di chuyển tài xế cần kiểm tra đèn báo có còn sáng không, nếu sáng thì cần kiểm tra lại phanh tay, không nên tự ý đạp mạnh ga để cố gắng di chuyển xe.

Tiếp theo tài xế cần chú ý tới đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát. Khi đèn sáng chứng tỏ hệ thống làm mát của xe đang gặp vấn đề, và động cơ đang bị quá nhiệt. Nếu lúc này tài xế không phát hiện sẽ dẫn tới hiện tượng quá nhiệt gây bó máy và hư hỏng toàn bộ động cơ, chi phí khắc phục và sửa chữa sẽ vô cùng lớn.

Việc thiếu dầu bôi trơn động cơ cũng sẽ gây ra hậu quả tương tự. Khi thiếu dầu bôi trơn, các chi tiết cơ khí ma sát với nhau sinh nhiệt, nhiệt độ cao sẽ làm giãn nở chi tiết cơ khí, từ đó dẫn tới bó cứng chi tiết chuyển động.

đèn cảnh báo
Trên bảng táp lô của ô tô có nhiều ký hiệu đèn cảnh báo khác nhau nhưng không phải tài xế nào cũng biết hết

Trường hợp thiếu dầu thường diễn ra ở những chiếc xe có lịch bảo dưỡng không thường xuyên. Khi mức dầu bôi trơn quá thấp, đèn cảnh báo sẽ xuất hiện trên màn hình, tài xế cần xuống xe và kiểm tra mức dầu bôi trơn bằng que thăm dầu. Nếu phát hiện thiếu dầu thì cần đưa xe tới garage gần nhất để khắc phục tránh hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra tài xế còn cần chú ý tới các đèn cảnh báo nguy hiểm của các hệ thống như: túi khí, cánh cửa, ắc-quy, hệ thống lái, đai an toàn…