Kinh nghiệm bảo quản xe ô tô đúng cách trong mùa dịch
Hiện nay tình hình đại dịch Covid-19 đang căng thẳng, đồng thời chúng ta phải thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày theo thông báo của chính phủ, việc sử dụng xe ô tô cá nhân gần như là rất rất hạn chế. Nếu như anh em bắt buộc phải để chiếc xe ô tô của mình “nằm yên” trong một khoảng thời gian dài, thì dù có đậu trong gara hay ngoài trời, chiếc xe vẫn sẽ có thể gặp phải những hư hỏng không mong muốn.
Bên cạnh đó, không phải ai cũng biết cách bảo quản chiếc xe của mình một cách đúng đắn và hợp lý để giảm thiểu những rủi ro không đáng có. Sau đây là một số mẹo nhỏ có thể giúp anh em hoàn toàn yên tâm khi bảo quản xe ô tô tại nhà. Mời anh em cùng tham khảo và thảo luận về chủ đề này tại đây nhé!
1. Tìm vị trí đậu xe tốt nhất có thể
Vị trí đậu xe là một nhân tố quan trọng trong suốt thời gian bảo quản xe, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ và độ bền của chiếc xe. Thông thường thì gara trong nhà chính là nơi có điều kiện bảo quản xe ô tô tốt nhất. Môi trường trong gara có điều kiện nhiệt độ, độ ẩm ổn định sẽ là nơi thích hợp nhất cho chiếc xe “nghỉ ngơi” mà không bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài.
Nếu nhà bạn không có gara ô tô riêng và bắt buộc phải để xe ngoài trời, nên cố gắng tìm chỗ nào mát mẻ nhất có thể như bóng cây, vách tường, vách chung cư, bãi đậu xe có mái che, v.v… và nên dùng áo trùm xe phủ ngoài để cách nhiệt và chống mưa cho xe. Nếu có điều kiện hơn thì anh em nên dùng thêm một lớp bạt chống mưa và cách nhiệt nữa để đảm chiếc xe được bảo quản một cách tốt nhất.
2. Vệ sinh xe thật sạch sẽ
Không ít anh em nghĩ rằng khi nào lấy xe ra sử dụng lại thì mới cần phải vệ sinh xe, vừa đỡ mất công vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc… Tuy nhiên, nếu như trên xe đã có sẵn vết ố vàng hay những vết bẩn như phân chim mà không được làm sạch ngay, thành phần hóa học trong đó có thể làm hư hại lớp sơn bên ngoài chiếc xe. Đó là chưa kể sau một thời gian dài, chúng khô lại sẽ rất khó làm sạch được. Vì vậy, trước khi đem xe đi “cất” thì anh em nên chịu khó đem em nó đi rửa và vệ sinh nội thất một lần cho sạch sẽ! Cũng không quá mất công và tốn kém đúng không nào?
3. Thay nhớt/dầu động cơ
Hãy bỏ qua bước này nếu bạn chỉ đem cất xe trong khoảng thời gian một hay hai tuần. Nhưng nếu thời gian bảo quản xe kéo dài từ một tháng trở lên, việc thay mới nhớt máy (dầu động cơ) sẽ là rất cần thiết. Lý do là vì một số hợp chất có hại trong nhớt đã qua sử dụng có thể làm hỏng động cơ nếu bạn không khởi động xe trong một thời gian dài. Mình từng phải rất vất vả mới có thể đề nổ được chiếc xe để ở nhà sau khi đi công tác gần 1 tháng. Đó là lý do vì sao anh em lâu lâu vẫn nên cho xe nổ máy khoảng 5-10 phút dù không có đi đâu và cũng không nên tiếc tiền thay nhớt mới nếu đã gần đến thời hạn thay nhớt cũ.
4. Đổ đầy bình nhiên liệu ngay từ đầu
Đây là một chi tiết mà không mấy ai chú ý đến khi bảo quản xe trong thời gian dài tại nhà. Thực tế cho thấy, khi bình nhiên liệu được đổ đầy sẽ giúp tránh được hiện tượng không khí ẩm lâu ngày có thể xâm nhập vào bình xăng gây ngưng tụ hơi nước bên trong bình. Điều này sẽ gây nên hiện tượng “nghẹt nhiên liệu” và kết quả là chiếc xe của chúng ta có thể sẽ không nổ máy được sau một thời gian dài. Anh em chú ý nhé, xăng dầu đang có giá siêu rẻ, đổ đầy bình rồi hãy đem xe về nhà cất. ?
5. Vặn nắp bình nhiên liệu thật chặt
Đây là một chi tiết rất nhỏ mà ít anh em nào chú ý đến. Cho dù chiếc xe của anh em vẫn còn mới, nhưng hơi xăng vẫn có thể lọt ra ngoài nếu nắp bình không được vặn chặt một cách cẩn thận. Nhiều khi anh em đi đổ xăng rồi để cho nhân viên họ tự vặn nắp bình lại, nếu lỡ như họ vặn ẩu thì không những hơi xăng mà cả xăng cũng có thể chảy ra ngoài.
Hơi xăng trong một số trường hợp có thể là một ngòi kích nổ và bình chứa sẽ là một khối thuốc nổ khổng lồ rất nguy hiểm. Chính vì thế, anh em nhớ phải chú ý vặn thật chặt nắp bình và kiểm tra đường ống dẫn xăng để hạn chế hơi xăng bị lọt ra ngoài. Nếu trong vài tháng không chạy, để tránh việc xăng bị phân hủy, anh em hãy bổ sung chất ổn định vào bình nhiên liệu trước khi bơm đầy bình. Những loại phụ gia này anh em có thể mua tại hãng hoặc các cửa hàng bán phụ tùng ô tô có uy tín.
6. Chú ý kiểm tra và vệ sinh bình ắc-quy
Khi ngưng hoạt động lâu, hệ thống ắc-quy trong xe sẽ mất dần khả năng tự sạc lại. Nếu có thể thì sau 2 tuần không sử dụng, anh em hãy khởi động lại xe để động cơ làm việc trong khoảng 15 phút. Thực hiện công việc này định kỳ sẽ có hai lợi ích: duy trì tuổi thọ của ắc-quy và tăng độ bền cho động cơ cũng như các thành phần khác, vì khi có dầu tưới lên, các chi tiết bên trong động cơ sẽ khó bị oxi hoá hơn.
Tuy nhiên vẫn còn có một số lựa chọn khác, đầu tiên là sử dụng bộ sạc ắc-quy dạng rời. Thiết bị này sẽ cung cấp điện năng cho ắc-quy để tránh trường hợp nó bị phóng hết điện. Nếu dùng cách này thì bạn nên tìm hiểu kỹ các thông số của nhà sản xuất cũng như cách sử dụng chúng sao cho hợp lý, tránh trường hợp thiết bị có thể vô tình làm ắc-quy của bạn bị hỏng.
Lựa chọn thứ hai là cách làm hơi “low-tech” một tí, bạn chỉ cần gở bỏ kết nối cực âm ra là có thể yên tâm điện năng trong bình ắc-quy không bị rò rỉ ra bên ngoài. Tuy nhiên, lúc này các thiết bị điện tử bên trong xe khi mất hết nguồn điện sẽ mất luôn các thông số mà nó ghi nhớ như thời gian, các thiết lập cho xe mà bạn đã cài sẵn, cũng như các cài đặt bên trong hệ thống thông tin giải trí mà bạn đã chọn, v.v…
7. Không nên gài thắng/phanh tay
Thông thường khi đậu xe một chỗ, bạn đều sử dụng thắng/phanh tay để cố định chiếc xe. Nhưng bạn không nên làm điều đó nếu phải đậu xe trong một thời gian dài. Lý do là trong một số dòng xe sử dụng phanh tang trống phía sau, hệ thống phanh tay được thiết kế để dùng kết hợp với phanh chính, nếu lực ép từ má phanh lên trống phanh diễn ra liên tục trong một thời gian dài sẽ làm cho khu vực này bị tác động mạnh kéo dài, dẫn đến việc các bề mặt tiếp xúc của hệ thống phanh sẽ không còn nguyên vẹn nữa, hệ thống phanh sau này sẽ hoạt động không ổn định.
Còn đối với một số dòng xe hiện đại hơn sử dụng phanh đĩa phía sau, hệ thống phanh tay cũng có thể được kết hợp với kẹp phanh của phanh chính để tăng hiệu quả phanh. Vì thế nếu anh em gài phanh tay của những dòng xe này trong một thời gian dài cũng sẽ rất dễ làm giảm tuổi thọ đĩa phanh và kẹp phanh. Trong tình huống xe phải đậu ở bề mặt nghiêng, bạn hãy sử dụng vài khúc gỗ hoặc vài viên gạch to để chặn các bánh xe lại, thế là xong, đơn giản mà đúng không. 😀
8. Bơm lốp đúng tiêu chuẩn
Đây cũng là một chi tiết ít được anh em quan tâm khi đem xe đi cất trong thời gian dài. Các bạn thử tưởng tượng, khi bạn dùng tay bẻ cong một vật nào đó, mặt trong sẽ bị ép lại, trong khi mặt ngoài lại bị căng ra, khi nó tới một giới hạn nào đó thì vết nứt sẽ hình thành. Khi áp suất lốp giảm xuống một mức nhất định, trọng lượng xe đè lên lốp sẽ dần dần làm chúng bị nứt, hiện tượng này xảy ra càng nhanh hơn khi lớp cao su đang bị thoái hóa.
Để khắc phục hiện tượng này, các bạn hãy dùng trụ đỡ đặt ở 4 góc và nâng xe lên cao. Do công việc này khá vất vả và tốn nhiều công sức nên chúng ta chỉ thực hiện khi có nhu cầu bảo quản xe trong thời gian vài tháng. Còn không thì chỉ cần mỗi 2 tuần, lúc bạn cho động cơ khởi động thì nhớ kiểm tra áp suất lốp và bơm thêm vào cho đủ tiêu chuẩn nếu lốp bị thiếu hơi nhé!
9. Kiểm tra và bảo quản cần gạt mưa
Ít ai để ý rằng bên dưới cần gạt nước mưa có một lớp cao su dùng để gạt chất bẩn trên mặt kính lái, khi lớp cao su này để lâu trong một thời gian dài, nó sẽ bị biến chất, dẫn đến bị chảy và dính chặt lên kính. Khi sử dụng lại thì lúc đó có thể bạn cũng phải đi thay luôn những chiếc cần gạt nước mưa này. Do đó, để đảm bảo thì anh em hãy tháo phần lưỡi cao su bên dưới các cần gạt nước mưa ra rồi đem cất nó tại nơi nào đó khô ráo và thoáng mát.
Tuy nhiên, vẫn còn có một cách khác thủ công hơn để anh em tham khảo. Các bạn có thể dùng một tấm màng nhựa dẻo (dùng để bọc thực phẩm) quấn chặt lên các cần gạt nước mưa để tránh sự tiếp xúc của chúng lên bề mặt kính. Anh em có thể áp dụng cách này nếu không biết cách gỡ lớp cao su trên lưỡi gạt ra. Tuy thủ công nhưng cũng dễ làm đúng không. 😀
10. Tìm cách ngăn chặn chuột & gián
Gara là một địa điểm lý tưởng để bảo quản xe, nó sẽ giữ cho xe luôn ở trong môi trường khô ráo và tương đối mát mẻ. Tuy nhiên, đây lại là điều kiện sống ưa thích của các loài gặm nhấm và côn trùng, chuột và gián là hai “đối tượng” thường thấy nhất. Dưới nắp ca-pô xe, trong ca-bin hay cốp xe là những nơi lý tưởng để những loài vật này ẩn nấp và sinh sản. Điều này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy xấu như nhiều bộ phận trên xe có thể bị hư hỏng do chúng cắn đứt, nội thất dơ do thức ăn và phân của chúng, mùi hôi bốc ra, v.v…
Xe mình cũng vừa mới bị lũ chuột nhắt kéo đến cắn đứt dây nối giữa ECU và hộp số. Kết quả là xe không gài số được, phải kêu xe cứu hộ chở lên tận hãng để kiểm tra là nối lại dây cáp. Anh em đã hiểu mức độ phiền toái và tốn kém của việc này rồi đó! Vì thế, nên chú ý đến mấy chú chuột & gián này nhé!
Để phòng tránh triệt để hiện tượng này, các bạn có thể dùng bông gòn hay vải mềm bịt kín các khe hở mà chuột và gián có thể chui qua như ống xả, cửa hút gió… Về cửa kính, anh em nên đóng vừa khít và chừa một khe hở thật nhỏ để lưu thông không khí giữa môi trường bên ngoài và không gian bên trong xe. Tránh đóng thật chặt cửa kính và cũng không nên chừa khe hở quá lớn, các loài vật nhỏ như gián và thằn lằn con có thể chui vào trong xe.
Các bạn cũng nên lưu ý là không nên dùng bẫy, bả chuột hay thuốc chuột nếu nhà bạn có quá nhiều con vật gặm nhấm này. Điều này sẽ gây nên phiền phức khi phải dọn xác của chúng sau khi chết, thay vào đó nên rải một lớp băng phiến (long não) xung quanh xe để ngăn chặn chúng đến gần xe và tìm cách “tiêu diệt” chúng bằng cách khác, nuôi vài con mèo trong nhà cũng là một cách hay đó anh em.
Trên đây là một vài mẹo nhỏ trong việc bảo quản xe ô tô khi bạn không có nhu cầu sử dụng trong thời gian dài. Nếu có thêm kinh nghiệm hay mẹo vặt nào khác, mời anh em cùng chia sẻ thêm cho mọi người trong topic này nhé!
Nguồn: tinhte.vn
Thêm: Hyundai Tucson