Âm thanh là gì?
Âm thanh là những sóng áp lực được truyền tải trong không khí. Khi các sóng này tiếp xúc với màng nhĩ sẽ làm nó rung động và não chúng ta nhận biết các rung động này thành âm thanh. Cách hoạt động của một chiếc loa cũng dựa trên hiện tượng này: Màng loa rung động sẽ tạo nên các áp lực trong không khí và truyền đến tai chúng ta, tạo ra các âm thanh có thể nghe thấy được.
Các rung động nói trên, hay nói cách khác là sóng âm, sẽ được đo đạc bằng số lần chúng xảy ra mỗi giây. Tần số sóng âm được biểu thị bằng đơn vị Hz và tần số càng thấp thì âm càng trầm và ngược lại. Ta sẽ phân biệt được các tần số này bằng tiếng bass và tiếng treble khi nghe nhạc.
Tai người có giới hạn nghe trong khoảng 20 Hz ~ 20 kHz và thực tế thì ở khoảng 20 Hz, chúng ta “cảm nhận” thấy âm thanh nhiều hơn là thực sự nghe được chúng. Ở mức tần số cao như 20 kHz cũng tương tự như vậy.
Khả năng cảm nhận âm thanh ở mỗi người cũng khác nhau. Khi càng lớn tuổi, thính lực của chúng ta cũng giảm dần do lão hóa. Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn quá lớn cũng làm giảm thính lực nên tốt nhất chúng ta nên tránh có mặt ở những nơi có tiếng ồn lớn quá lâu, đồng thời cũng không nghe nhạc liên tục trong thời gian dài ở mức âm lượng lớn.
Độ lớn của âm thanh được đo bằng đơn vị dB (decibel). Ở môi trường ít ồn ào, tai người có thể nghe được thấp nhất khoảng 50dB. Từ 60 ~ 70dB là ngưỡng tiếng ồn có thể gây khó chịu khi tiếp xúc trong thời gian dài. Khoảng 80dB là mức tiếng ồn khá lớn và những âm thanh từ 85dB bắt đầu có thể gây hại đến thính lực khi tiếp xúc trong thời gian dài. Âm thanh từ 100dB trở lên sẽ làm hại thính lực một cách nguy hiểm và có thể gây ra các triệu chứng về thần kinh.
Chức năng của loa
Chức năng của một chiếc loa là chuyển đổi năng lượng điện truyền đến nó từ amplifier thành năng lượng cơ học để làm màng loa dao động. Các dao động này tạo ra âm thanh mà tai chúng ta nghe được. Những chiếc amplifier có đầu ra âm và dương được cắm với đầu vào của loa và dẫn dòng điện qua voice coil. Voice coil được quấn quanh phần đuôi của chóp loa gắn trên một nam châm trên khung loa. Dòng điện từ amplifier sẽ tạo ra từ trường bao xung quanh voice coil và làm rung động màng loa, tạo ra âm thanh.
Các thiết kế loa thường thấy
Thiết kế loa tiêu chuẩn của một hệ thống loa xe hơi sẽ sử dụng những chiếc loa toàn dải (full-range). Lợi thế của những chiếc loa này là có khả năng tái tạo được đầy đủ dải tần mà tai người nghe được, bù lại điểm yếu của chúng là chất lượng âm thanh chỉ ở mức trung bình khá, tái tạo lại các note nhạc với độ chính xác tạm được mà thôi.
Những hệ thống âm thanh xe hơi cao cấp sử dụng thiết kế những củ loa bass, mid-range và tweeter riêng để nâng cao độ chính xác cho âm thanh tổng thể. Tweeter được dùng riêng cho dải treble còn woofer dành riêng cho dài bass. Củ loa mid-range sẽ tái tạo các tần số ở giữa tweeter và woofer. Ngoài ra còn có thể có thêm các củ loa mid-bass để đánh các tần số trong khoảng giữa deep bass và midrange. Các loa có thiết kế 2 hướng (2-way) thì kết hợp nhiều củ loa với nhau (ví dụ 1 midrange và 1 tweeter) vào chung 1 khung loa để tiết kiệm không gian bên trong xe.
Crossover
Subwoofer có màng loa kích thước lớn và sẽ cần nhiều năng lượng hơn so với màng loa nhỏ của tweeter, vì thế mức tín hiệu âm thanh được khuếch đại dành cho loa subwoofer sẽ có thể làm hư hỏng loa tweeter. Đây là lúc mà bộ crossover phát huy công dụng của mình.
Có 2 loại crossover là active-crossover và passive-crossover. Active-crossover chia tín hiệu full-range thành các tần số riêng biệt để amplifier khuếch đại và đưa đến các củ loa tương ứng. Passive-crossover thì nhận tín hiệu đã được khuếch đại từ amplifier và sau đó mới chia đến các củ loa tương ứng. Điều này sẽ giúp cho mỗi củ loa chỉ nhận tín hiệu được khuếch đại vừa đủ, không quá yếu có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh mà cũng không quá mạnh có thể làm hư hỏng củ loa.
Nguồn: tinhte.vn
Xem thêm :
- Hyundai Santafe vượt Fortuner, Everest, CX8 đứng đầu phân khúc SUV 7 chỗ tại Việt Nam
- Tucson Tucson bất ngờ ” thống lĩnh ” phân khúc Crossover quý 1 2020